Trang thông tin điện tử Thanh tra tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với Website Thanh tra tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình: Đạt nhiều kết quả rõ nét trong phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 22/09/2021

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ 01/08/2020 đến 31/7/2021 tại tỉnh Ninh Bình đã được chỉ đạo quyết liệt hơn, đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Tổ chức 388 lớp tuyên truyền quán triệt pháp luật về PCTN

Công tác PCTN được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành. UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản và chỉ đạo các cấp, các ngành, người đứng đầu đơn vị thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện.

Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN được chỉ đạo, triển khai đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Kết quả, đã tổ chức 388 lớp tuyên truyền quán triệt pháp luật trong đó có nội dung về PCTN đến cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân với tổng số khoảng 25.012 người tham dự; cấp phát khoảng 500 bộ tài liệu tuyên truyền có nội dung về PCTN. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đã chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật PCTN và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trên phạm vi toàn tỉnh với hơn 1.340 người tham dự…

Bên cạnh đó, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động theo quy định của Luật PCTN, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Tăng cường phân cấp cho các cấp, các ngành; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế.

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đã ban hành mới, sửa đổi 143 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ liên quan đến lĩnh vực tài chính; tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 9 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn.

 Ảnh Minh Họa

Đặc biệt, việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đã có chuyển biến về mặt nhận thức. Giao tiếp trong thực thi công vụ giữa cán bộ công chức với công dân và doanh nghiệp được cải thiện, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh rà soát, xây dựng kế hoạch, thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, tập trung các lĩnh vực, ngành, nghề định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về PCTN. Theo đó, từ 01/8/2020 đến 31/7/2021, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 145 cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng phải chuyển đổi.

100% bản kê khai tài sản đã được công khai

Đáng chú ý, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 02/3/2021 yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Kết quả, đã có 40/40 số cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỷ lệ 100%; có 5.585/5.587 người đã kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, đạt tỷ lệ 99,96%; 100% bản kê khai đã được công khai bằng các hình thức niêm yết và công bố tại cuộc họp. Trong đó, đã bàn giao 32 bản kê khai của 32 người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên thuộc UBND tỉnh cho Thanh tra Chính phủ đúng thời gian quy định.

Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đã đưa vào hoạt động từ tháng 10/2020, đã tổ chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tập trung của 17 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và các thủ tục hành chính của Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Điện lực tỉnh. Đồng thời, UBND các huyện, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bộ phận Một cửa liên thông cấp huyện, cấp xã, đẩy mạnh số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, nhận được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp thông qua chất lượng cung ứng dịch vụ công.

Về kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, trong kỳ báo cáo, cơ quan tố tụng trong tỉnh tiến hành điều tra, khởi tố 02 vụ, 5 bị can phạm tội về tham nhũng, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố 01 vụ, 04 bị can và đưa ra xét xử 02 vụ 03 bị can với các tội danh “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Một trong những giải pháp quan trọng khác là UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và Nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò hoạt động Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng giám sát và phản biện xã hội đối với công tác PCTN…

Như vậy, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong năm 2021 đã có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Bình dự báo, những năm gần đây tỉnh phát triển mạnh về kinh tế, thu hút nhiều dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, đấu thầu… còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; thực hiện công khai minh bạch, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát nội bộ cơ quan, đơn vị, ngăn chặn, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng./.

Văn bản điện tử
Đăng nhập
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
267808

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 11

Hôm qua: 100