Trang thông tin điện tử Thanh tra tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với Website Thanh tra tỉnh Ninh Bình

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ: Quyết định về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Thứ hai, 30/05/2022

Ngày 27 tháng 4 năm 2022, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ban hành Quyết định số 51/QĐ-BCĐCCHC về ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
 

Theo đó nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) được quy định như sau:

- Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước dài hạn và hàng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.

- Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ, các dự  thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính nhà nước trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hành chính nhà nước.

- Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính nhà nước.

- Tổng hợp, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan tình hình triển khai công tác cải cách hành chính nhà nước.

- Nghiên cứu, đánh giá và kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ  chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực cải cách hành chính nhà nước theo quy định của Chính phủ.

- Được lập các tiểu ban hoặc nhóm công tác giúp Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước theo yêu cầu.

- Được mời tham dự các cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các cuộc họp của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

- Mời lãnh đạo các bộ, ngành, đia phương và đại diện cơ quan, tổ chức khác liên quan tham dự các cuộc họp, các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo.

- Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo gồm:

- Lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; triệu tập, chủ trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo.

- Kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ.

- Trong trường hợp cần thiết, ủy quyền cho Phó Trưởng ban giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình.

- Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi, chức năng, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

- Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo – Bộ trưởng Bộ Nội vụ gồm:

- Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo; thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo khi Trưởng Ban vắng mặt hoặc được Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo theo sự ủy quyền của Trưởng Ban Chỉ đạo, trường hợp vượt quá phạm vị quyền hạn được giao phải báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.

- Tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác cải cách hành chính và việc thực hiện chương trình, cải cách hành chính của Chính phủ.

- Kiểm tra, đánh giá, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về sự phối hợp giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ.

- Thành lập hoặc tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo thành lập các tiểu ban giúp Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính theo yêu cầu.

- Được sử dụng con dấu của Bộ Nội vụ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban Chỉ đạo – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:

- Giúp Trưởng Ban điều hành giải quyết các công việc liên quan đến cải cách hành chính theo chức, nhiệm vụ của văn phòng Chính phủ.

- Chủ động xử lý, phân công các Ủy viên Ban Chỉ đạo là cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ xử lý và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban các nội dung công việc về cải cách hành chính thuộc nhiệm vụ quyền hạn do Văn phòng Chính phủ phụ trách.

- Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban.

- Được sử dụng con dấu của Văn phòng Chính phủ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban Chỉ đạo – Thứ trưởng Bộ Nội vụ:

- Thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban thường trực giao.

- Tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước.

- Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo.

- Được sử dụng con dấu của Bộ Nội vụ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy viên Ban Chỉ đạo:

Nhiệm vụ chung của các Ủy viên Ban Chỉ đạo:

+ Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về kết quả các nhiệm vụ được phân công.

+ Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan nơi công tác trong thực hiện nhiệm vụ là Ủy viên Ban Chỉ đạo.

+ Tham dự đầy đủ các cuộc họp các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, chuẩn bị ý kiến đóng góp về các vấn đề thuộc nội dung chương trình họp của Ban Chỉ đạo.

+ Báo cáo kịp thời công việc và ý kiến giải quyết của Ban Chỉ đạo cho Thủ trưởng cơ quan nơi công tác về các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ, ngành mình; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch, chương trình của Chính phủ đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành.

+ Ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền và sử dụng con dấu của cơ quan mình.

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng ban Chỉ đạo.

Quyết định cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Ủy viên Ban Chỉ đạo: Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng với các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo khác thực hiện tham mưu, giúp Trưởng ban chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bộ, ban, ngành.

Ban Chỉ đạo họp trực tiếp hoặc trực tuyến định kỳ 01 quý/01 lần để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện tổng thể các nội dung, nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo hoặc đánh giá chuyên sâu theo từng chuyên đề và xác định chương trình, kế hoạch công tác cho thời gian tiếp theo.

Văn bản điện tử
Đăng nhập
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
268478

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 36

Hôm qua: 124