Trang thông tin điện tử Thanh tra tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với Website Thanh tra tỉnh Ninh Bình

Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 (DTI)

Thứ ba, 19/10/2021

Ngày 19/10/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020...
 

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 phê duyệt Đề án xác định bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và của quốc gia.

Theo đó, cấu trúc bộ chỉ số chuyển đổi số theo 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 07 chỉ số chính: chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức, chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế, chỉ số đánh giá về hạ tầng và nền tảng số, chỉ số đánh giá về thông tin và dữ liệu số, chỉ số đánh giá về hoạt động chuyển đổi số, chỉ số đánh giá về an toàn an ninh mạng và chỉ số đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí cụ thể. (cấp bộ: 41 chỉ số thành phần và 111 tiêu chí; cấp tỉnh: 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí).

Năm 2020 là năm đầu tiên đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cũng là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai khảo sát, thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá Chỉ số chuyển đổi số qua hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://dti.gov.vn.

Theo đó kết quả đánh giá DTI khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điểm trung bình là 0.3026 điểm; Khối bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cung cấp dịch vụ công có điểm trung bình là 0.3982 điểm; Khối bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không cung cấp dịch vụ công có điểm trung bình là 0.2342 điểm.

Xếp vị trí thứ nhất về chuyển đổi số của khối bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp dịch vụ công năm 2020 là Bộ Tài chính với 0.4944 điểm, xếp thứ 2 là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 0.4932 điểm và xếp thứ 3 là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 0.4701 điểm. Nhìn chung kết quả DTI giữa đơn vị thấp nhất (0.2472) và đơn vị cao nhất (0.4944) của khối bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp dịch vụ công năm 2020 chênh lệch không nhiều.

Xếp hạng DTI các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cung cấp dịch vụ công năm 2020.

Kết quả xếp hạng chuyển đổi số của khối bộ, cơ quan ngang bộ không cung cấp dịch vụ công năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam xếp thứ nhất với 0.2995 điểm, xếp thứ 2 là Thông tấn xã Việt Nam 0.2975 điểm; xếp thứ 3 là Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam với 0.2848 điểm. Kết quả DTI của khối bộ, cơ quan ngang bộ không cung cấp dịch vụ công cao nhất là 0.2995 điểm và thấp nhất là 0.0992 điểm.

Xếp hạng DTI các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không cung cấp dịch vụ công năm 2020.

Kết quả xếp hạng DTI các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020  so với điểm trung bình không có sự chênh lệch nhiều, đơn vị xếp hạng cao nhất đạt 0.4874 điểm và đơn vị thấp nhất là 0.2108 điểm. Điểm trung bình của các trụ cột gồm: Chính quyền số đạt 0.3611 điểm; Kinh tế số đạt 0.2568 điểm và Xã hội số là 0.2898 điểm.

Nhóm 10 tỉnh dẫn đầu Kết quả xếp hạng chuyển đổi số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 gồm: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, Kiên Giang, Bắc Giang.

Xếp vị trí thứ nhất với cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số là TP.Đà Nẵng, vị trí thứ 2 là Thừa Thiên Huế, vị trí thứ 3 là tỉnh Bắc Ninh. Đây đều là những đơn vị có kết quả xếp đầu về ứng dụng công nghệ thông tin của các năm trước.

Một số tỉnh có các chỉ số xếp hạng hiện còn thấp cần có sự thay đổi tích cực trong các chỉ số cũng như sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đặc biệt trong công tác cung cấp dịch vụ công mức độ 4 để vị trí xếp hạng của những năm sau đạt được vị trí tốt hơn như: Ninh Thuận (xếp thứ 63), Phú Yên (thứ 62), Cao Bằng (thứ 61)

Xếp hạng DTI của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: Chuyển đổi số, trước hết là thay đổi cách nghĩ, sau đó là thay đổi cách làm, nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số trở nên chín muồi là nhờ vào sự phát triển và hội tụ cùng lúc của nhiều công nghệ mang tính đột phá, gọi là công nghệ số, mà vài chục năm mới có một lần. Chính vì vậy, nhiều quốc gia, nhiều thành phố trên thế giới coi chuyển đổi số là cơ hội để bứt phá vươn lên. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 ập đến, xã hội giãn cách và thay đổi thói quen một cách đáng kể. Các hoạt động được thực hiện trên môi trường số nhiều hơn. Nhiều quốc gia, nhiều thành phố trên thế giới đã quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số, coi đây là giải pháp quan trọng vì sự phát triển bền vững.

Hình 1. Ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Năm 2020 là năm đầu tiên triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vì vậy, chủ đề năm 2020 là: “Chuyển đổi số khởi đầu khát vọng cho một thập kỷ hành động”.

Kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về chuyển đổi số ở Việt Nam năm 2020 đồng thời theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ/tỉnh để có giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.

Chỉ số chuyển đổi số cấp quốc gia nhằm cung cấp thông tin về kết quả chuyển đổi số chung của cả nước để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như cho các tổ chức quốc tế sử dụng khi đánh giá các chỉ số toàn cầu (EGDI, IDI, GCI 4.0, GII, GCI).

Năm 2020, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngày càng thuận tiện. Đến 10/2021, 18/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết Chuyển đổi số; 52/93 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chương trình/Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.

Năm nay là năm đầu tiên đánh giá chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nên còn nhiều chỉ số chưa sát với thực tế triển khai. Trong giai đoạn tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục cập nhật, hoàn thiện để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Thông tin về việc xây dựng bộ chỉ số CĐS, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết quá trình xây dựng bộ chỉ số, có thể nói, là rất công phu, nghiêm túc, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi, trao đổi thẳng thắn, lắng nghe và tiếp thu một cách hết sức cầu thị. Quá trình tổng hợp, thu thập số liệu báo cáo của các các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, kết hợp với kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, tính toán theo các tiêu chí định trước, cho ra chỉ số CĐS của từng bộ, tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, trong năm đầu tiên, báo cáo DTI 2020 đã thành công trong việc vẽ ra bức tranh toàn diện của chuyển đối số.

Hình 2. Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông Việt Nam

Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng cho rằng, đi vào chiều sâu của chuyển đổi số sẽ là trọng tâm của giai đoạn sắp tới, đặc biệt, đối với khu vực công là khai thác giá trị của dữ liệu số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành quốc gia. "Ở góc độ đó, bộ chỉ số DTI sẽ là chỉ dấu quan trọng để biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào; đâu là những hạn chế cần cải thiện. Điều này cũng đặt ra yêu cầu bộ chỉ số DTI cần trọng tâm hơn nữa; chú trọng vào các nhóm chỉ số thể hiện "kết quả đầu ra", phản ánh được hiệu quả thực chất của chuyển đổi số”, ông Nguyễn Minh Hồng nói.

Hình 3. Toàn cảnh Hội nghị Công bố kết quả Chuyển đổi số năm 2020

Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi công bố, Bộ Thông tin và Truyền thông còn trao đổi, thảo luận để tìm các giải pháp thúc đẩy về kinh nghiệm, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nâng cao các chỉ số xếp hạng của Việt Nam; Thúc đẩy cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.

Văn bản điện tử
Đăng nhập
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
268507

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 65

Hôm qua: 124