Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nền kinh tế chủ nhà đăng cai các sự kiện của APEC trong năm 2023, từ ngày 14 - 17/02/2023, Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước do ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã tham dự Cuộc họp Mạng lưới các Cơ quan Chống tham nhũng và Thực thi pháp luật của APEC (ACT-NET) lần thứ 10, Cuộc họp Nhóm công tác về chống tham nhũng và bảo đảm minh bạch (ACTWG) lần thứ 36 và Hội thảo Các Nguyên tắc của APEC về Phòng ngừa hối lộ và Thực thi luật chống hối lộ tại thành phố Palm Springs, California, Hoa Kỳ.
Cuộc họp ACT-NET lần thứ 10 có sự tham dự của hơn 40 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Dưới sự chủ trì của bà Lorinda Laryea, Phó Chủ tịch thường trực Cơ quan Chống gian lận, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, các đầu mối ACT-NET đã có những tham luận và tập trung thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác trong điều tra các vụ án tham nhũng, từ chối là nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm tham nhũng và vấn đề trách nhiệm pháp lý của pháp nhân.
Cuộc họp ACTWG lần thứ 36 do ông Richard Nephew, Điều phối viên Chương trình Chống tham nhũng Toàn cầu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chủ tịch ACTWG 2023 chủ trì với sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Trong 02 ngày làm việc, Nhóm công tác đã tập trung vào một số nội dung chính như: Các nền kinh tế thành viên báo cáo về những tiến triển trong công tác PCTN, việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và các cam kết khác của APEC; Báo cáo và cập nhật triển khai các dự án của APEC trong năm 2023; Thảo luận về các biện pháp triển khai Kế hoạch công tác chiến lược giai đoạn 2023-2026 và Kế hoạch công tác năm 2023 của Nhóm; Thảo luận về một số chủ đề liên quan đến hợp tác công - tư trong phòng, chống tham nhũng (PCTN); Thảo luận về đề xuất của Hoa Kỳ về Lộ trình chống tham nhũng của APEC.
Hội thảo Các Nguyên tắc của APEC về Phòng ngừa hối lộ và Thực thi luật chống hối lộ diễn ra trong một ngày. Ngoài sự tham gia của các nền kinh tế thành viên còn có một số tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp (StAR). Với mục đích tập trung vào việc rà soát và cập nhật các văn kiện của APEC về Các Nguyên tắc Phòng ngừa hối lộ và Thực thi luật chống hối lộ, Hội thảo được chia làm 6 phiên làm việc với các chủ đề: Một khung pháp lý mạnh mẽ; Phòng ngừa, phát hiện và điều phối trong nước hiệu quả; Điều tra và truy tố hiệu quả; Thu hồi tài sản và Hợp tác quốc tế hiệu quả; Sự phát triển của các tiêu chuẩn chống hối lộ quốc tế; Các lĩnh vực hợp tác khác.
Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam đã tham dự đầy đủ, tích cực các cuộc họp và hội thảo. Tham luận của Đoàn tại ACTWG lần thứ 36 về những tiến triển trong công tác PCTN của Việt Nam đã nêu bật một số kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2022, cụ thể như: hoàn tất chu trình đánh giá thứ 2 đối với việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên Công ước; đã tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN và Kế hoạch thực thi UNCAC đến năm 2020; tiến hành xây dựng chiến lược, kế hoạch PCTN đến năm 2030; thành lập các Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần tạo sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN.
Việt Nam cũng đã tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, chú trọng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch của hệ thống pháp luật; tăng cường công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng cả ở khu vực công và khu vực ngoài nhà nước. Với những nỗ lực và kết quả tích cực đã đạt được, tham nhũng tại Việt Nam tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phòng, chống tham nhũng được nhân dân đồng tình, ủng hộ, dư luận quốc tế đánh giá cao. Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, năm 2021 Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng (tăng 3 điểm và tăng 17 bậc so với năm 2020).
Năm 2022, Việt Nam đạt 42/100 điểm, đứng thứ 77/180, tiếp tục tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nỗ lực, tăng cường công tác PCTN với một số quan điểm chủ yếu như sau: (1) Xác định công tác phòng ngừa tham nhũng là chính, cơ bản, lâu dài; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng là quan trọng, cấp bách; (2) Xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị hiệu quả, nghiêm minh để không dám tham nhũng và cơ chế bảo đảm phù hợp để người có chức vụ, quyền hạn không cần tham nhũng; (3) Phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể kẻ tham nhũng là ai; (4) Tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; (5) Mở rộng hợp tác quốc tế về PCTN, tăng cường thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và các thỏa thuận, cam kết quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn.